Sỏi niệu đạo – những thông tin quan trọng cần biết
Sỏi niệu đạo là bệnh chiếm tỉ lệ ít nhất trong các bệnh lý sỏi đường tiết niệu (khoảng 4%). Dù vậy, nếu không được chữa trị kịp thời thì bệnh có thể dẫn đến những nguy hại nghiêm trọng. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh lý sỏi niệu đạo.
Khái niệm sỏi niệu đạo
Sỏi niệu đạo là sỏi được tạo thành do muối và khoáng chất lắng đọng rồi kết tinh lại trong ống niệu đạo, chắn ngang dòng chảy của nước tiểu ra ngoài. Sỏi niệu đạo cũng có thể là sỏi thận hay sỏi bàng quang di chuyển xuống và mắc kẹt ở niệu đạo.
Sỏi niệu đạo thường gặp ở nam giới hơn so với nữ giới do niệu đạo nam dài hơn nhiều khiến sỏi khó di chuyển và đào thải ra ngoài.
Triệu chứng của sỏi niệu đạo
Với các kích thước, vị trí, độ cứng khác nhau của sỏi niệu đạo, người bệnh sẽ gặp những triệu chứng như sau:
– Tiểu khó, tiểu ngắt quãng, tiểu buốt, tiểu sót, nước tiểu đục, tiểu có máu do sỏi làm bít tắc đường tiểu.
– Bị đau quặn hoặc đau từng cơn lan tỏa ở khu vực bộ phận sinh dục hoặc tầng sinh môn. Khi đường tiểu bị tắc hoàn toàn thì còn có thể xuất hiện cơn đau quặn thận.
– Sốt do sỏi làm tổn thương niêm mạc niệu đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm sinh sôi gây viêm đường tiết niệu.
Tại sao bị sỏi niệu đạo?
– Nguyên nhân gây sỏi niệu đạo phổ biến nhất là do sỏi bàng quang, sỏi thận di chuyển xuống mắc kẹt ở chỗ hẹp niệu đạo.
– Sỏi tự hình thành tại niệu đạo: Nước tiểu đọng lại ở những đoạn bị chít hẹp bất thường hoặc do túi thừa niệu đạo khiến các tinh thể khoáng chất và muối lắng đọng lại tạo thành sỏi.
– Nước tiểu ứ đọng tại tại bao quy đầu hoặc bao quy đầu hẹp, viêm, dính khiến các tinh thể lắng đọng và liên kết tạo nên sỏi.
Biến chứng của sỏi niệu đạo
Sỏi niệu đạo nếu không được loại bỏ kịp thời sẽ ngăn cản sự lưu thông của dòng chảy, khiến nước tiểu ứ đọng lại ở toàn bộ hệ thống tiết niệu, dẫn đến nhiều hậu quả rất nghiêm trọng, như:
– Thận ứ nước, giãn rộng bể thận, đài thận: sỏi niệu đạo gây nên tình trạng nước tiểu bị chặn lại và ứ đọng trong thận, niệu quản, bàng quang, nếu không được can thiệp kịp thời, thể tích nước tiểu không ngừng tăng lên sẽ khiến thận bị ứ nước, đài và bể thận bị giãn rộng.
– Suy thận cấp và mạn tính: nếu sỏi niệu đạo kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thận, thận ứ nước, ứ mủ… dần dần sẽ dẫn làm suy giảm chức năng thận. Từ đó gây nên bệnh suy thận cấp và mạn tính. Nguy hiểm hơn là phải chạy thận nhân tạo tốn kém, tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
– Gây Nhiễm trùng đường tiết niệu: sỏi niệu đạo gây tắc nghẽn đường tiểu, làm ứ đọng nước tiểu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển gây viêm niệu đạo, viêm bàng quang, thận ứ mủ, viêm thận… từ đó nhiễm trùng đường tiết niệu.
Một số phương pháp chẩn đoán sỏi niệu đạo
– Bằng cách sờ nắn hoặc thăm khám trực tràng có thể dễ dàng xác định đúng vị trí của sỏi niệu đạo. Nếu sỏi nằm ở niệu đạo sau, khi khám lâm sàng sẽ nghe thấy tiếng va chạm của sỏi với dụng cụ kim loại.
– Khi sỏi nằm ở túi thừa niệu đạo hoặc vị trí bị tắc hẹp, có thể cần siêu âm hay chụp X- quang niệu đạo ngược dòng, X- quang hệ tiết niệu để phát hiện cả sỏi niệu đạo và sỏi ở các vị trí khác trên đường tiết niệu.
Một số phương pháp hiệu quả điều trị sỏi niệu đạo
– Điều trị nội khoa (bằng thuốc tây): Đây là phương pháp đơn giản nhất và được chỉ định cho hầu hết các trường hợp bệnh. Hiện nay, có một số nhóm thuốc được dùng phổ biến là: thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc giãn cơ trơn, thuốc lợi tiểu…
– Điều trị ngoại khoa: Khi sỏi đã vào bàng quang, tùy thuộc kích thước sỏi và tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số kỹ thuật sau:
– Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser
– Tán sỏi qua da bằng năng lượng sóng xung kích (ESWL)
– Phẫu thuật mổ hở lấy sỏi trực tiếp
Nếu bạn hoặc người thân nhận thấy bất kỳ một dấu hiệu nào của sỏi niệu đạo cần đi khám để phát hiện sớm, điều trị kịp thời nhằm hạn chế tối đa những hậu quả nguy hiểm.
Nguồn : benhvienphuongdong.vn