Mất ngủ 1 đêm có nguy hiểm không? Những điều cần lưu ý
Có nhiều cấp độ mất ngủ khác nhau. Có những người bị mất ngủ trong thời gian dài nhưng có những người chỉ bị mất ngủ trong 1 đêm. Cùng tìm hiểu mất ngủ 1 đêm có nguy hiểm không và những điều cần lưu ý qua bài viết dưới đây.
1. Mất ngủ 1 đêm có nguy hiểm không?
Mất ngủ là tình trạng khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu, dễ tỉnh giấc và không thể ngủ lại được. Trung bình một người trưởng thành cần 7 – 8 tiếng để ngủ mỗi đêm. Tình trạng mất ngủ khiến thời gian ngủ giảm xuống, giấc ngủ không liền mạch, kém chất lượng. Có những người bị mất ngủ kéo dài (mạn tính) nhưng có những người chỉ bị mất ngủ ngắn hạn (cấp tính). Nhiều người trong số đó chỉ thỉnh thoảng bị mất ngủ 1 đêm, sau đó giấc ngủ lại trở lại bình thường. Tuy nhiên họ vẫn thắc mắc như vậy có nguy hiểm không, có cần điều trị không?
Theo các chuyên gia về giấc ngủ, việc bị mất ngủ chỉ 1 đêm hầu như không gây ảnh hưởng ngay đến sinh hoạt hay công việc của bạn. Ngay cả khi bạn thức trắng cả đêm, thì cảm giác ngày hôm sau cảm giác chủ yếu sẽ chỉ là buồn ngủ, thiếu tập trung. Một số trường hợp cá biệt có thể có thể gây trạng thái thiếu tỉnh táo, thậm chí không thể kiểm soát được những gì đang diễn ra. Nếu tình trạng này liên tục tiếp diễn thì có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn.
2. Nguyên nhân gây mất ngủ 1 đêm
Tình trạng mất ngủ trong 1 đêm chủ yếu xảy ra do những thói quen sinh hoạt hay lich trình thay đổi bất thường. Dưới đây là những nguyên nhân chủ yếu:
2.1 Mất ngủ 1 đêm do ngủ quá nhiều vào ban ngày
Việc phân bổ thời lượng giấc ngủ trong ngày không hợp lý sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giấc ngủ vào ban đêm. Nếu bạn ngủ quá nhiều vào ban ngày thì ban đêm thường sẽ bị khó ngủ, ngủ không ngon giấc.
Ngủ quá nhiều vào ban ngày dẫn đến mất ngủ ban đêm là một tình trạng mà rất nhiều người gặp phải, đặc biệt là ở những người thường rảnh rỗi vào ban ngày.
2.2 Thức khuya để làm việc vào ban đêm
Sau một ngày dài vất vả, nhiều người vẫn phải thức khuya để làm việc. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đặc biệt tác động đến chất lượng giấc ngủ.
Bởi khi bạn tập trung khi làm việc, não bộ sẽ phải cố gắng duy trì trạng thái tỉnh táo. Trạng thái này có thể duy trì cả sau khi bạn đã kết thúc công việc, khiến bạn khó đi vào giấc ngủ và ngủ không ngon giấc. Nếu một ngày bạn phải làm việc quá khuya, quá giờ ngủ thì rất có thể bạn sẽ bị mất ngủ vào đêm hôm đó.
2.3 Căng thẳng, lo lắng gây mất ngủ 1 đêm
Tâm trạng luôn có mối liên hệ mật thiết với chất lượng giấc ngủ. Tình trạng căng thẳng, lo lắng do chưa hoàn thành công việc hay do có việc quan trọng vào ngày hôm sau có thể khiến bạn cảm thấy hồi hộp, thấp thỏm, không thể thư giãn để đi vào giấc ngủ và ngủ không được ngon.
2.4 Thói quen ăn uống
Tình trạng mất ngủ đột ngột cũng có thể xảy ra nếu trước khi ngủ bạn ăn quá khuya hoặc ăn quá no, ăn những thức ăn khó tiêu. Điều này khiến dạ dày phải làm việc quá sức mà không được nghỉ ngơi. Ngoài ra, việc sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà đặc trước giờ ngủ cũng có thể là nguyên nhân gây mất ngủ.
3. Cách cải thiện thể chất, tinh thần sau 1 đêm mất ngủ
Như đã nói ở trên, sau 1 đêm mất ngủ, bạn có thể cảm thấy buồn ngủ, thiếu tỉnh táo. Có rất nhiều cách khác nhau để cải thiện tình trạng này, tuy nhiên bạn cần lưu ý những điểm sau:
3.1 Không ngủ nướng
Sau 1 đêm mất ngủ, nhiều người lựa chọn ngủ bù bằng cách hoãn báo thức và ngủ nướng vào buổi sáng hôm sau. Tuy nhiên, các chuyên gia về giấc ngủ khuyên bạn không nên làm như vậy. Việc ngủ bù không giúp ích cho việc phục hồi sức khỏe như nhiều người lầm tưởng. Ngược lại nó còn khiến trí nhớ bị suy giảm và gây xáo trộn nhịp thức – ngủ.
Sau đêm mất ngủ, tốt nhất bạn hãy thức dậy và làm việc hàng ngày của mình. Duy trì giờ giấc sinh hoạt và làm việc bình thường, kể cả vào ngày cuối tuần.
3.2 Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời
Ánh sáng tự nhiên có khả năng ức chế quá trình sản sinh melatonin – hormone gây buồn ngủ. Do vậy, việc tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên sau khi thức dậy sẽ giúp báo hiệu cho não bộ biết rằng đã hết thời gian ngủ, khiến bạn tỉnh táo hơn vào ban ngày.
3.3 Ăn sáng đảm bảo dưỡng chất
Việc bổ sung dưỡng chất cho cơ thể sau một đêm dài là rất cần thiết để tái tạo năng lượng cho cơ thể. Đặc biệt là sau 1 đêm mất ngủ, một bữa ăn đa dạng đảm bảo dinh dưỡng sẽ giúp bạn cải thiện sức khỏe cả thể chất và tinh thần. Ngược lại nếu chỉ ăn qua loa, thì cơ thể sẽ sớm mệt mỏi và kiệt sức.
Các chuyên gia khuyến cáo bữa sáng nên chứa ít nhất từ 2 nhóm thực phẩm khác nhau.
3.4 Không lạm dụng cà phê
Cà phê có thể có tác dụng làm tỉnh táo nhất thời. Nhưng nếu tiêu thụ quá nhiều hoặc uống cà phê khi cơ thể đang mệt mỏi thì sẽ rất dễ dẫn tới mất nước, khiến bạn bị đau đầu. Sau 1 đêm mất ngủ hay thiếu ngủ thì thay vì uống cà phê, bạn hãy uống nhiều nước lọc. Bổ sung đủ nước giúp cải thiện sự tập trung và trí nhớ, giúp não hoạt động hiệu quả hơn sau khi thiếu ngủ.
3.5 Chú ý khi vận động thể chất
Các chuyên gia khuyến cáo, không nên tập luyện quá sức vào buổi sáng nếu đêm trước đó bạn ngủ ít hơn 6 tiếng. Việc tập luyện lúc này trở nên khó khăn hơn và có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng.
Sau 1 đêm thiếu ngủ, bạn chỉ nên chọn các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ hay đi cầu thang bộ. Chỉ cần đi bộ khoảng 10 phút cũng giúp cơ thể cảm thấy tỉnh táo và thoải mái hơn.
Trên đây là những thông tin liên quan đến tình trạng mất ngủ 1 đêm và những cách khắc phục hiệu quả. Dù chỉ thỉnh thoảng bị mất ngủ hay bị thiếu ngủ, mất ngủ thường xuyên thì bạn cũng nên theo dõi và chủ động thăm khám chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Nguồn: benhvienthucuc.vn