Tổng quan về viêm nướu răng và cách điều trị nhanh chóng
Tỷ lệ mắc các bệnh lý về răng miệng trong cộng đồng rất cao bởi đa phần những triệu chứng ban đầu không rõ rệt và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Viêm nướu răng là tình trạng tổ chức mô mềm quanh răng bị nhiễm khuẩn, lâu dần làm răng bị suy yếu và lỏng lẻo. Vậy viêm nướu gây ra bởi nguyên nhân nào và cách điều trị ra sao?
Viêm nướu răng là gì?
Nướu (còn gọi là lợi) là tổ chức mềm quanh răng có nhiệm vụ ôm sát thân răng để bảo vệ và ngăn chặn tác động của vi khuẩn tới mô nhạy cảm dưới chân răng. Nướu dính chặt vào khung xương bên dưới, có màu hồng san hô khi khỏe mạnh.
Viêm nướu răng (viêm lợi) là tình trạng nướu bị tổn thương viêm cấp tính với ảnh hưởng tập trung khu trú tại vùng lợi mà không ảnh hưởng tới các tổ chức xung quanh như xương răng, dây chằng quanh răng và xương ổ răng.
Nguyên nhân gây viêm chủ yếu do vi khuẩn tích tụ ở cao răng và các mảng bám xâm nhập, dẫn tới nướu bị nhiễm khuẩn.
Các mảng bám trên răng sẽ cứng lại thành cao răng chỉ sau khoảng 24 tiếng. Khi này việc làm sạch bằng chải răng, súc miệng thường không đem lại hiệu quả làm sạch tối ưu các mảng cao răng. Viêm lợi gây nên do vi khuẩn rất phổ biến nhưng không gây nên hậu quả nghiêm trọng, chủ yếu có những biểu hiện làm người bệnh thấy khó chịu và kém tự tin do hơi thở có mùi.
Nguyên nhân viêm nướu răng
Viêm lợi thường xảy ra do những nguyên nhân sau đây:
Do vệ sinh răng miệng kém
Theo khuyến cáo, chúng ta nên chải răng 2-3 lần/ngày và nên sử dụng thêm các sản phẩm/thiết bị hỗ trợ như nước súc miệng, tăm nước,… để loại bỏ thức ăn thừa, ngăn ngừa tích tụ vi khuẩn tạo thành mảng bám. Khi chúng ta bỏ quên việc vệ sinh răng miệng thường xuyên, các loại vi khuẩn sẽ có cơ hội sinh sôi và phát triển, thức ăn còn sót lại tích tụ thành cao răng bám trên bề mặt răng, chúng sản sinh ra các loại enzyme để phá hủy liên kết của biểu mô giữa răng và nướu, từ đó dẫn tới viêm nướu và các bệnh lý khác về răng miệng.
Tác dụng phụ của thuốc điều trị
Một số loại thuốc điều trị như histamin, lợi niệu, chống trầm cảm… gây nên tác dụng phụ là giảm tiết nước bọt gây nên tình trạng khô miệng. Khi khoang miệng bị khô sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển dẫn tới mảng bám tích tụ dễ dàng và gây nên các bệnh răng miệng, trong đó có viêm nướu răng.
Do ăn uống thiếu khoa học
Việc tiêu thụ quá nhiều đồ ăn chứa đường hoặc quá lạnh, quá nóng… khiến cho lớp men răng và nướu bị tổn thương, vi khuẩn dễ dàng phá hủy sâu hơn vào trong cấu trúc răng gây sâu răng và viêm nướu.
Người mắc tiểu đường
Người bị tiểu đường thường gặp vấn đề về việc kiểm soát đường huyết dễ dẫn đến nhiều biến chứng, trong đó có viêm lợi. Lý do là bởi khi đường trong máu tăng cao sẽ làm gia tăng áp lực lên mạch máu, cùng với đó là khả năng vận chuyển dinh dưỡng đến các cơ quan trong cơ thể bị giảm, trong đó có nướu, khiến nướu bị yếu đi và dễ bị vi khuẩn tấn công.
Thường xuyên hút thuốc lá và sử dụng bia rượu
Những chất này ảnh hưởng tới răng miệng mà ít ai ngờ tới. Việc sử dụng thuốc lá sẽ khiến cho răng bị ố vàng do có chứa chất nicotin, khiến vi khuẩn phát triển mạnh, làm nướu, răng dễ sưng viêm. Bia rượu có chứa cồn cũng gây ra những tác động không hề nhỏ với sức khỏe của răng miệng.
Các yếu tố nguy cơ khác
Ngoài những nguyên nhân chính, những yếu tố có liên quan sau đây cũng được đưa vào “danh sách” nguy cơ cao dẫn đến viêm nướu răng:
Suy giảm hệ miễn dịch
Những người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch (như người bị tiểu đường, nhiễm HIV…) hay người vừa thực hiện phẫu thuật cấy ghép nội tạng có nguy cơ cao mắc bệnh nhiễm khuẩn nói chung và viêm nướu nói riêng.
Do nội tiết tố thay đổi
Những đối tượng là nữ giới trong độ tuổi dậy thì, phụ nữ đang mang thai và phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh cũng là đối tượng có nguy cơ bị viêm nướu răng cao. Nguyên nhân là trong những giai đoạn này, cơ thể của chị em có sự thay đổi nội tiết tố gây nên sự mất cân bằng hệ vi sinh trong khoang miệng.
Ngoài ra các yếu tố như tuổi cao, thừa cân, béo phì, do di truyền, viêm khớp dạng thấp… cũng được liệt kê là tác nhân có thể dẫn đến viêm nướu và các bệnh lý khác về răng miệng.
Dấu hiệu viêm nướu răng
Viêm nướu thường dễ nhận biết qua các biểu hiện như dễ bị chảy máu khi đánh răng, lợi sưng đỏ, ngứa kèm theo hôi miệng, nướu không được hồng hào và không bám chặt vào chân răng khiến răng bị lỏng lẻo. Một số triệu chứng viêm nướu răng qua từng giai đoạn đó là:
Giai đoạn đầu
Nướu/lợi ở giai đoạn này đã có sự thay đổi như đỏ tấy, sưng phồng và dễ bị chảy máu, đặc biệt là khi có sự tác động như đánh răng, dùng tăm hay kể cả dùng tăm nước. Tuy vậy, vẫn chưa có tổn thương về mô, xương và chân răng vẫn còn chắc chắn.
Nếu được chăm sóc đúng cách ở thời điểm này, việc hồi phục trở lại tình trạng sức khỏe của nướu là khá dễ dàng. Bạn hãy sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch răng, chải răng bằng bàn chải lông mềm và súc miệng bằng nước muối hoặc dung dịch súc miệng chuyên dụng để làm sạch kỹ răng và nướu.
Giai đoạn sau
Nếu người bệnh chủ quan và không có những biện pháp cải thiện sớm tình trạng ở giai đoạn đầu thì tình trạng viêm sẽ bắt đầu tiến triển nặng hơn. Khi nhiễm khuẩn kéo dài, biểu hiện viêm nướu răng là vùng nướu sẽ bị tụt xuống, xương hàm đầy lùi ra phía sau tạo nên khoảng trống giữa răng và nướu. Khi ăn uống, thức ăn thừa dễ tích tụ ở nơi này và việc làm sạch không kỹ sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, dẫn tới nhiễm khuẩn và phá hủy chân răng. Độc tố và enzyme của cơ thể sẽ được tăng sinh để chống lại mô liên kết dẫn tới chân răng lỏng lẻo hơn.
Lợi trong giai đoạn này bị sưng đỏ, đau mức, chảy máu khiến miệng và hơi thở có mùi hôi. Bệnh để lâu dần khiến tụt nướu nặng, lộ chân răng là xương hàm bị phá hủy, răng xô lệch, lung lay.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
Bất cứ ai cũng có thể gặp các vấn đề về răng miệng, tuy nhiên những người sau đây có nguy cơ bị cao hơn đó là:
- Người không có thói quen giữ gìn vệ sinh răng miệng.
- Người thường xuyên hút thuốc lá và sử dụng bia rượu.
- Người mắc tiểu đường, thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hoá.
- Người cao tuổi.
- Phụ nữ mang thai, tiền mãn kinh.
- Người có chế độ ăn uống thiếu khoa học.
Biến chứng của bệnh viêm nướu
Viêm nướu răng có nguy hiểm không? Viêm nướu răng là tình trạng bệnh không quá phức tạp trong điều trị ở giai đoạn đầu, tuy nhiên nếu để kéo dài, bệnh có thể gây nên các biến chứng sau:
Viêm nha chu
Viêm nướu dẫn tới viêm nha chu là một biến chứng khá thường gặp. Khi này, nướu sưng đỏ, có trường hợp viêm nướu răng có mủ, có thể tự dưng chảy máu mà không chịu bất cứ kích thích nào; hơi thở có mùi hôi, răng lung lay, xô lệch, thưa ra, chức năng ăn nhai giảm.
Mất răng
Khi lợi bị tổn thương không thể đảm nhận được vai trò bảo vệ chân răng khiến răng dễ bị lung lay. Đặc biệt khi biến chứng viêm nha chu xảy đến, xương ổ răng bị tiêu, giãn dây thần kinh chằng quanh răng từ đó làm tăng nguy cơ bị mất răng. Khi này để tránh làm thay đổi cấu trúc hàm, các răng liền kề bị xô lệch, người bệnh cần điều trị kịp thời để viêm nướu răng không bị lây lan và thực hiện các biện pháp phục hình răng càng sớm càng tốt.
Viêm phổi
Tưởng chừng không mấy liên quan nhưng viêm nướu có thể dẫn đến viêm phổi do vi khuẩn trong khoang miệng thông qua quá trình hô hấp sẽ tiến vào phổi, từ đó làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi. Biến chứng này được đánh giá là khá nguy hiểm và phải điều trị cả viêm nướu và viêm phổi để tránh những nguy cơ khác về sức khỏe.
Biện pháp chẩn đoán viêm lợi
Viêm nướu được phát hiện và chẩn đoán dễ dàng bằng việc dựa vào những triệu chứng như nướu sưng đỏ, dễ chảy máu, có thể có mủ. Khi thực hiện kiểm tra, bác sĩ chuyên khoa răng sẽ đánh giá sức khỏe răng, nướu thông qua chẩn đoán răng, lưỡi, nướu để tìm nguyên nhân. Ngoài ra, những xét nghiệm bệnh có liên quan cũng sẽ được thực hiện nếu nghi tiềm ẩn gây nên .
Cách trị viêm nướu răng hiệu quả
Phương án điều trị bệnh viêm nướu răng sẽ phụ thuộc vào tình trạng viêm của người bệnh đang ở mức độ nào. Đa phần trong giai đoạn sớm, việc chữa trị sẽ rất đơn giản, chỉ cần thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc và vệ sinh răng miệng đúng cách kết hợp với dùng thuốc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ là có thể kiểm soát được bệnh.
Thuốc kháng sinh
Để điều trị viêm lợi, kháng sinh nhóm beta-lactam và macrolid thường được sử dụng nhiều nhất. Hai loại thuốc này có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây viêm nướu. Bác sĩ cũng có thể cho người bệnh dùng cả kháng sinh đường uống và tại chỗ để tăng cường hiệu quả. Không nên tự ý sử dụng thuốc để tránh nguy cơ kháng kháng sinh.
Dung dịch súc miệng
Làm sạch răng miệng, ức chế hoạt động và loại bỏ vi khuẩn là công dụng của nước súc miệng giúp hỗ trợ điều trị tình trạng viêm lợi. Các loại dung dịch được ưu tiên sử dụng có chứa các thành phần như Chlorhexidine, Chlorine dioxide, Hexetidin, Zin gluconat, …
Thuốc giảm đau, kháng viêm
Bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc không chứa steroid có vai trò kiểm soát tình trạng đau nhức và viêm tại nướu. Thuốc thường dùng là Paracetamol, Meloxicam, Ibuprofen, Diclofenac, Axit mefenamic… điều trị viêm nướu răng trong trường hợp nhẹ. Đối với bệnh nặng như bị viêm nướu răng có mủ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng viêm chứa steroid như Dexamethason và Prednisolon có tác dụng mạnh trong việc kháng viêm, giảm đau nhức, sưng tấy.
Phẫu thuật
Với các trường hợp không đáp ứng điều trị với thuốc, bệnh ngày càng tiến triển nặng thì bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định cho bệnh nhân phẫu thuật. Việc phẫu thuật sẽ nhằm loại bỏ túi viêm tại nướu, giúp xử lý triệt để tình trạng và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng.
Phương pháp dân gian chữa viêm lợi
Song song với việc thực hiện điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, cách chữa viêm nướu răng dân gian với các nguyên liệu an toàn cũng được nhiều người áp dụng mang lại hiệu quả tốt. Một số phương pháp có thể thực hiện tại nhà như sau:
Sử dụng bạc hà
Tinh chất trong lá bạc hà có tác dụng kháng khuẩn, đồng thời cải thiện mùi hôi tại khoang miệng do nhiễm khuẩn rất tốt. Bạn dùng 30-40g lá bạc hà tươi, đem đi rửa sạch thật kỹ với nước muối loãng rồi vớt ra, để ráo, đun cùng với 500ml nước trong vòng 5-7 phút. Dùng nước thu được uống thay cho nước trà hoặc dùng để súc miệng.
Dùng cỏ mực
Cỏ mực có chứa caroten, tanin, chất đắng và các ancaloit có tác dụng chống viêm, diệt khuẩn và giảm đau. Bạn dùng 30g cỏ mực rửa sạch, giã nhuyễn, thêm nước lọc vào để vắt lấy nước cốt. Trộn 1-2 thìa mật ong nguyên chất với nước cốt thu được, khuấy đều rồi dùng tăm bông thoa lên vùng nướu bị viêm.
Dùng cam thảo chữa viêm nướu
Trong cam thảo có chứa acid glucuronic có tác dụng ức chế vi khuẩn gây viêm, đồng thời giảm mùi hôi khó chịu do viêm nướu. Bạn dùng 2-3 lát cam thảo tươi, ngâm trong miệng rồi nhai từ từ, nuốt phần nước và nhả phần bã ra ngoài.
Biện pháp phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa viêm nướu răng, lời khuyên của nha sĩ dành cho bạn đó là:
- Thực hiện tốt việc vệ sinh răng miệng bằng cách chải răng 2 lần/ngày, nên súc miệng sau mỗi bữa ăn.
- Dùng chỉ nha khoa, tăm nước để hỗ trợ việc làm sạch tối đa.
- Thay bàn chải đánh răng ít nhất 3 tháng/lần.
- Lấy cao răng định kỳ 6 tháng /lần.
- Ăn uống khoa học, tránh các loại thực phẩm có nhiều đường, tinh bột, quá lạnh hoặc quá nóng, các loại độ ăn chua có tính acid cao như kim chi, dưa muối… để hạn chế làm tổn thương men răng.
- Bỏ thói quen hút thuốc lá, uống bia rượu.
- Điều trị các bệnh lý có liên quan, là nguy cơ dẫn đến viêm nướu.
Viêm nướu răng tuy là bệnh lý không quá nguy hiểm nhưng việc điều trị sớm là hết sức cần thiết để tránh nguy cơ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và cấu trúc răng, hàm.
Nguồn : benhvienphuongdong.vn